TƯ DUY PHẢN BIỆN
Các bạn ơi! Hôm trước Phóng Viên Nhí nghe một cô trên Tivi nhắc đến Tư duy phản biện và nói rằng nó rất tốt cho quá trình tiếp thu tri thức và phát triển tư duy, đặc biệt là cho trẻ em. Chà! Thích thật đấy. Tớ cũng thích học “Tư duy phản biện” nhưng nghe cứ khó khó thế nào ấy. Hôm nọ có bác giảng viên Đại học còn bảo “ Sinh viên Việt Nam còn rất nhiều em thiếu tư duy phản biện”. Thế mà tớ nghe nói các bạn học sinh lớp Diễn thuyết của Eveil được học cả một chuỗi bài “Phát triển tư duy”, trong đó có tư duy phản biện đấy. Tò mò quá. Tớ cũng phải tham gia mới được.
Hãy cùng theo chân Phóng Viên Nhí tham dự một buổi học của lớp Diễn thuyết 8 – 10 tuổi của cô Quỳnh Hoa để xem các bạn ấy học “Tư duy phản biện” như thế nào các bạn nhé!
Chương trình “Phát triển tư duy” là một chuỗi các bài học “Tư duy phản biện – Tư duy Sáng tạo – Tư duy Logic” do cô Minh Nguyệt và cô Quỳnh Hoa đồng biên soạn dành riêng cho lứa tuổi học sinh tiểu học. Vì vậy các bài học rất dễ hiểu nhé, không hề khó như mình tưởng đâu.
Đầu giờ học, chúng mình không bị gọi lên bảng trả bài hay kiểm tra bài tập như trên lớp đâu nhé. Cô Quỳnh Hoa mời chúng mình xem và cảm nhận vẻ đẹp của 3 tấm ảnh và thử đặt tên cho chúng. Bất ngờ quá. Trước giờ mình chỉ biết xem ảnh thôi chứ chưa bao giờ phân tích kĩ một bức ảnh rằng nó đẹp như thế nào,bố cục như thế nào, hay đặt tên… cho ảnh cả.
Bức ảnh đầu tiên là cảnh mấy bạn nhỏ nông thôn chăn trâu, gương mặt ai cũng rạng rỡ. Chúng mình nhận ra cảnh nông thôn vì có lũy tre, đống rơm và con trâu đấy. Cô Hoa phân tích cho chúng mình cách nhận xét, đánh giá và tìm những nét đặc trưng của ảnh. Bức ảnh không chỉ đẹp vì màu sắc, độ nét hay góc độ chụp mà còn vì những ý nghĩ sâu xa của chúng. Bức ảnh đầu tiên được bạn Khang đặt tên là “ Nông thôn lạc quan” vì Khang thấy rằng dù phải chăn trâu vất vả nhưng bạn nhỏ nào trong bức ảnh cũng cười rất tươi. Trước ý tưởng của bạn Khang, cô Hoa và cả lớp chúng mình đã tặng bạn ấy một tràng pháo tay thật to để khen thưởng.
Không chỉ có Khang, trong lớp Diễn thuyết, tất cả các bạn đều được khuyến khích nêu quan điểm và ý tưởng. Và mọi ý kiến , quan điểm đó – dù đúng hay sai đều được ghi nhận xứng đáng. Điều này khiến cho những bạn vốn nhút nhát cũng tự do trình bày ý kiến trước cả đám đông. Chúng mình còn được xem 2 bức ảnh nữa về các bạn học sinh miền núi( nhìn một cái là Phóng Viên Nhí biết ngay, vì các bạn ấy mặc áo chàm xanh và váy thổ cẩm). Một bức là “Tinh thần hiếu học” hình 2 bạn nhỏ ngồi bên chuồng bò, vừa chăn bò vừa học bài, chú bò ngộ nghĩnh nhìn theo như muốn cùng đánh vần. Bức ảnh kia là một cậu bạn ôm chú gà béo, miệng cười rất tươi. 3 bức ảnh chúng mình được xem hôm nay nằm trong dự án “Bữa cơm có thịt”. Cứ mua 1 tấm ảnh với giá 5000 đồng là chúng mình đã góp tiền vào dự án mang thịt đến cho bữa cơm của các bạn nghèo, các bạn miền núi. Thật ý nghĩa phải không các bạn?
Hôm nay chúng mình được học cách đánh giá một sự vật, sự việc, con người. Cô Quỳnh Hoa đặt cho chúng mình một câu hỏi để chúng mình phân tích “Thế nào là một ngôi sao?”. Nhiều cánh tay giơ lên: hát hay, múa đẹp, nổi tiếng, học giỏi…Sau một hồi tranh luận và bàn bạc, chúng mình cùng cô Quỳnh Hoa đã tìm ra một sô các phẩm chất để trở thành ngôi sao như sau:
- Đức tính tốt
- Học tập tốt
- Nổi bật
- Tham gia tích cực mọi hoạt động
- Hình thức bên ngoài lịch sự
- …..
Chúng mình rút ra được một bài học rằng, khi đánh giá bất cứ một sự vật, hiện tượng hay người nào đó đều phải đánh giá một cách khách quan, toàn diện chứ không nên theo ý kiến chủ quan mà dễ nhìn nhận sai sự vật, hiện tượng đó.Phần mà chúng mình mong chờ nhất đã đến. Như đã hứa từ đầu giờ, hôm nay cô Hoa sẽ cho chúng mình lên thuyết trình theo chủ đề hoặc tình huống đã chọn và ghi hình lại để làm tư liệu. Ai cũng thích thú, bạn Tú còn xung phong làm quay phim và nhanh nhẹn đi lấy máy quay mang lên nữa đấy.
Mỗi bạn được phát một phiếu câu hỏi gồm cả những câu hỏi trắc nghiệm xoay quanh chủ đề “Tự do” và “Tư duy phản biện”.
Có một tình huống nêu ra cho các bạn “Trong đợt đóng góp ủng hộ các bạn vùng lũ lụt, mỗi bạn phải nộp 10000 đồng. Bạn Lan không nộp tiền. Cả lớp bảo Lan là người ích kỉ là đúng hay sai?”
Các bạn đưa ra nhiều ý kiến. Hà Phương bênh vực Lan, cho rằng có thể Lan quên không mang theo tiền hoặc bố mẹ Lan đi vắng, không cho tiền Lan được. Trong khi đó các bạn khác phản biện rất mạnh mẽ. “Nếu bố mẹ Lan đi vắng không để lại tiền cho Lan thì bạn ấy ăn uống như thế nào?”. Hiền Trang đưa ra quan điểm rất khách quan, tổng hợp nhiều ý kiến của các bạn: “ Lan không nộp tiền có thể có nhiều lí do. Khi chưa biết rõ lí do thì các bạn trong lớp không nên nhận xét Lan là người ích kỉ như thế.
- Có thể Lan quên không mang tiền đi nộp
- Có thể Lan chưa giải thích rõ ràng nên bố mẹ không đưa tiền cho Lan
- Có thể nhà Lan nghèo, không có điều kiện quyên góp tiền
- Có thể Lan trót làm rơi…
Những trường hợp trên ta không thể kết luận Lan ích kỉ được. Chỉ trừ khi Lan có tiền nhưng không nộp, không muốn đóng góp cho quỹ ủng hộ thì khi đó ta mới được kết luận rằng bạn Lan ích kỉ”
Lớp học sôi nổi với những câu hỏi kích thích tư duy. Các bạn được bình luận những câu nói nổi tiếng, rồi mỗi bạn chọn lấy một câu tục ngữ mà mình thích và giải thích ý nghĩa của những câu tục ngữ đó. Cũng có những câu giải thích khá là ngô nghê và buồn cười, nhưng cũng có những câu làm Phóng Viên Nhí ngạc nhiên vì các bạn giải thích rất rõ ràng, gãy gọt, lại còn lấy ví dụ rất sinh động nữa.
Trong suốt quá trình chúng mình thuyết trình, cô Quỳnh Hoa giúp chúng mình sửa tư thế, giọng nói, tác phong, nhận xét và khích lệ khiến ai cũng thích được lên nói và không sợ sai. Thì ra “Tư duy phản biện” chính là như thế đấy các bạn ạ!
Buổi học vui và bổ ích mang lại thật nhiều tiếng cười cho cả lớp. Chúng mình đã có những giây phút thật vui và ý nghĩa bên nhau phải không các bạn! Tạm biệt và hẹn gặp lại trong những buổi học sau của chúng mình các bạn nhé!
Phóng Viên Nhí